GIÚP BÉ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG XÃ HỘI

Tham khảo từ wikiphunu.vn
Hướng dẫn cách giúp bé phát triển kỹ năng xã hội dưới đây sẽ đem đến cho các bậc cha mẹ những thông tin hay để giúp bé yêu hòa nhập với cộng đồng, phát triển tốt nhất. Những kỹ năng xã hội được dạy dỗ vững vàng từ nhỏ sẽ là tiền đề giúp các bé dễ dàng đạt được nhiều thành tựu trong tương lai đấy, các bậc cha mẹ hãy chú ý nhé.
Các bậc cha mẹ hãy cùng với wikiphunu.vn tìm hiểu bài viết về cách giúp bé phát triển kỹ năng xã hội dưới đây nhé.

Kỹ năng xã hội là gì, tại sao cần dạy cho trẻ

Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng gia nhập nhóm, kỹ năng biểu lộ cảm xúc… là những kỹ năng xã hội các bậc cha mẹ cần dạy cho trẻ.
Không có gì quan trọng với thành công và hạnh phúc của một đứa trẻ hơn là học cách giao tiếp, ứng xử một cách tích cực với những người xung quanh. Khả năng thu hút và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp của một đứa trẻ sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới thành công của chúng trong tình yêu, sự nghiệp, sức khỏe và sự phát triển về mặt tinh thần.
Hướng dẫn cách giúp bé phát triển kỹ năng xã hội phần 1

Các bước dạy bé phát triển kỹ năng xã hội

Xác định các kỹ năng cần dạy cho bé

Nói chung, trẻ cần phải học cách ý thức được về cộng đồng, cách hành vi của trẻ sẽ ảnh hưởng đến những người khác, để trẻ có thể nuôi dưỡng được lòng cảm thông đối với mọi người. Điều này cũng kích thích phát triển những quy chuẩn đạo đức của trẻ: tôn trọng và đối xử tốt với người xung quanh, đổi lại trẻ sẽ trải nghiệm được những cảm giác tốt đẹp trong lòng.
Trẻ cũng nên được dạy rằng đối xử công bằng với mọi người mang lại lợi ích thực tế. Nếu trẻ có thể học được điều này, trẻ sẽ trở nên lịch sự với giáo viên và phụ huynh, cũng như bạn bè. Trẻ sẽ cố gắng giao tiếp để được hiểu, chứ không đơn thuần dùng những hành động để diễn tả cảm xúc của mình.
Cuối cùng, điều trẻ cần được học là nên đặt ra những giới hạn và định mức cho lòng tự tôn của mình. Học cách phản ứng lại với những điều còn chưa tốt của xã hội là một kỹ năng cần thiết của cuộc sống. Trẻ cũng cần được dạy dỗ cách bảo vệ bản thân mà không tạo cơ hội cho những hành vi tiêu cực từ các đối tượng khác phát triển.

Trở thành tấm gương để con noi theo

Nếu như con bạn cư xử theo cách không hay, bạn hãy xem lại hành động của chính mình. Bạn có hay bị stress và thể hiện tình cảm một cách khó chịu hay nói ra những lời không hay không? Bạn có về nhà sau giờ làm và phàn nàn về ông chủ hay cộng sự, hoặc là nói xấu một ai đó sau lưng họ không? Bạn đã quan tâm chăm sóc cho chính sức khỏe, tình cảm và tinh thần của mình chưa? Bạn đã thật sự nhẹ nhàng, tình cảm khi nói chuyện với chồng con mình cũng như những người xung quanh chưa? Liệu những lời như, “thật là hết cách”, “tôi không thể chịu được,” “thế giới thật là tối tăm”, “thật là một lũ dốt nát!” đã trở thành thói quen của bạn hay chưa? Hãy xem lại điều đó. Bạn có thể cho rằng cách cư xử của mình là ổn, nhưng nếu bạn nhìn nhận kĩ hơn, có thể bạn sẽ nhận ra rằng có những cách cư xử ở con mà chính là do bắt chước bạn đó, dù có thể là theo cách riêng của chúng.

Phân tích và làm mẫu cho bé

rẻ không chỉ quan sát cử chỉ hành động của người lớn mà còn tập làm theo. Nếu như con bạn nói điều gì đó không hay, hãy phân tích cho bé một cách khách quan. Ví dụ, bạn có thể chỉ cho bé thấy rằng “bạn con tỏ ra tức giận khi con nói điều đó”, và rằng “mẹ cho rằng con có thể nói theo cách khác.” Hãy để gia đình bạn đóng vai những người khác và có những cuộc trò chuyện giả tưởng. Ví dụ, bạn có thể đóng vai một người bị mắng mỏ, bị lờ đi hay được chú ý. Hãy để bé đóng nhiều vai và hỏi bé về cảm giác của bé cũng như những gì có thể thay đổi.
Bạn hãy cố đừng tỏ ra lý thuyết hay giáo huấn khi dạy trẻ cách hòa đồng, bởi vì hiếm khi trẻ cố ý làm tổn thương ai đó và việc dằn vặt trẻ có thể sẽ gây phản tác dụng. Trẻ chỉ đang cố thử mọi thứ. Hãy giúp trẻ thực hiện điều đó và giúp phát triển sự đồng cảm ở trẻ qua việc cho trẻ đóng các vai khác nhau. Mẹo này cũng rất hữu ích khi con bạn là đứa trẻ thường hay bị bắt nạt. Việc chơi trò đóng kịch với gia đình giúp trẻ trở nên quyết đoán hơn và giúp chúng nhận ra rằng những tác động khác nhau sẽ dẫn tới những phản ứng khác nhau.

Khuyến khích trẻ thực hiện kỹ năng xã hội

Nếu bạn thử cách này, một điều quan trọng cần nhớ là nên thật rõ ràng và chi tiết trong các hành động mong đợi của trẻ. Ví dụ, mỗi lần con bạn nói những lời không hay, trẻ sẽ mất 10 phút xem tivi hoặc chơi vi tính hàng ngày. Hãy cho trẻ biết mỗi lần bạn nghe thấy trẻ nói, và đánh dấu vào một bảng theo dõi.
Hãy thưởng, phạt một cách công minh: Nếu con bạn có thể tự phát hiện ra việc mình nói như thế là không tốt, bạn hãy thưởng cho con bạn thêm 10 phút xem tivi, chơi trò chơi. Hãy dạy cho trẻ cách nói ra cảm nghĩ của trẻ, thay vì nói ra những lời nguyền rủa, và thưởng cho trẻ vì biết cách “bày tỏ” cảm xúc bằng những lời hay ý đẹp. Dạy trẻ thay vì nói bậy để diễn tả cảm xúc thất vọng, trẻ có thể nói “thật đáng chán”, vv…

Tin tưởng con bạn sẽ làm được

Dù cho tình huống mà bạn và con gặp phải có tệ đến đâu đi nữa thì cũng sẽ luôn luôn có một điều bạn có thể làm để giúp cho con. Hãy khắc họa trong tâm trí bạn hình ảnh vui vẻ, ngoan ngoãn, cười đùa và khỏe mạnh của bé. Hãy sử dụng trí tưởng tượng của bạn để hình dung ra hình ảnh của bé.. Những niềm tin như thế thực sự có thể giúp bạn làm được những việc vô cùng lớn lao mỗi ngày, và… sẽ chẳng có nơi nào để gửi gắm chúng tốt hơn là chính con của bạn.

Để phát triển kỹ năng xã hội cho bé, cha mẹ cần chú ý gì

Dạy bé phép lịch sự

Bạn nên bắt đầu việc dạy dỗ trẻ về phép lịch sự từ những trường hợp ứng xử thông thường trong sinh hoạt hàng ngày như trong bữa ăn, tiếp xúc với người thân trong gia đình… Đây là ý tưởng hay để giúp trẻ rèn luyện cách cư xử tốt đẹp và vui vẻ đối với mọi người. Hãy nói để trẻ hiểu tầm quan trọng của những tính cách tốt và khuyến khích trẻ nghĩ rằng mình là người lịch thiệp. Để làm được điều đó, bạn nên bắt đầu từ việc đưa ra những yêu cầu thực tế với trẻ và nhẹ nhàng hướng dẫn để đưa con vào nền nếp.

Cho bé tiếp xúc với các bạn bè

Hướng dẫn cách giúp bé phát triển kỹ năng xã hội phần 2
Bạn có thể cho con chơi với bạn ngay từ khi bé chập chững biết đi. Vì lúc này trẻ đã có nhu cầu được kết bạn và tiếp xúc rộng rãi hơn với xã hội bên ngoài, bên cạnh gia đình của mình. Những buổi đầu trẻ có thể bỡ ngỡ và tỏ ra thiếu tự tin. Bạn nên chú ý đến những biểu hiện tâm lý của trẻ khi chơi với bạn. Bạn có thể giúp bé bằng cách cho phép các trẻ đồng lứa hoặc lớn hơn một chút đến nhà chơi; định hướng những trẻ cùng chơi với bé vào những trò chơi hay hoạt động mà con bạn thích và có năng khiếu; hoặc cho bé làm bạn với thú cưng.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể trở thành một người bạn cùng chơi tuyệt vời của trẻ. Hãy dành những khoảng thời gian ít biến đổi để chơi đùa cùng con. Đây là cơ hội để bạn hiểu những thiên hướng cá nhân của bé và giúp con định hướng những kỹ năng giao tiếp. Khi bọn trẻ có thể tự chơi với nhau một cách thuận hòa, bạn nên để con chơi đùa một cách độc lập. Và nhớ rằng đừng đặt quá nhiều kỳ vọng hay yêu cầu đối với trẻ, vì trẻ sẽ cảm thấy áp lực và dễ trở nên tự ti. Thay vào đó hãy lắng nghe, quan sát và cố gắng hiểu trẻ.

Cho bé tiếp xúc với những hình mẫu tốt

Khi con bạn bắt đầu có xu hướng chú ý và bắt chước theo hành động của những người lớn, bạn nên để con tiếp xúc với những “người mẫu” mà bạn cảm thấy yên tâm. Đó có thể là bạn bè thân của bạn, người bạn quen biết, tin tưởng và nếu họ đã từng có kinh nghiệm nuôi dạy con thì thật lý tưởng. Những tính cách tốt học được từ những cuộc tiếp xúc như vậy sẽ giúp định hình suy nghĩ và cách ứng xử của trẻ.

Cha mẹ phải sống mẫu mực

Điều này có nghĩa là những thành viên trong gia đình nên dùng những thái độ và cách thức tích cực để cư xử với nhau. Đó là nguyên tắc vàng trong giao tiếp thông thường không chỉ trong gia đình mà còn ngoài xã hội. Bất kể mục đích giao tiếp của bạn là gì, vì phép lịch sự hay những lý do xã hội khác, bạn cũng nên suy nghĩ chín chắn và thận trọng để tránh gây ra những hậu quả không hay. Trẻ sẽ học được cách cư xử đúng đắn từ ngay những người thân yêu của mình.

Cho trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội

Việc tham gia vào các hoạt động xã hội không chỉ giúp trẻ trở nên dạn dĩ, tự tin mà còn khuyến khích trẻ phát triển những tính cách tốt như lòng nhân ái, sự yêu thương và quan tâm đến người khác. Có rất nhiều cơ hội để bạn dạy cho con biết ý nghĩa của các hoạt động xã hội. Chẳng hạn bạn có thể dạy trẻ từ những việc hữu ích nho nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa như: mang thức ăn cho một người hàng xóm bị ốm, giúp một cụ già băng qua đường, góp quần áo và đồ chơi cũ cho các bạn ở trại trẻ mồ côi… Từ những hoạt động này, bé có thể học được những thói quen làm điều thiện khi trưởng thành.

Trò chuyện nhiều với bé

Bạn nên nói chuyện với con một cách tự nhiên và cởi mở về những gì bạn mong muốn ở bé. Bên cạnh đó hãy đặt ra những giới hạn và hướng trẻ tin rằng việc tuân theo các giới hạn đó là tốt cho bản thân bé. Tuy nhiên, bạn không nên làm điều đó một cách áp đặt. Hãy để trẻ nghĩ rằng bạn là một người bạn lớn, đáng tin cậy của bé.
Để bé yêu phát triển tốt, các bậc cha mẹ hãy chú ý Hướng dẫn cách giúp bé phát triển kỹ năng xã hội trên đây của wikiphunu.vn nhé. Việc dạy dỗ trẻ những kỹ năng cần thiết ngay từ nhỏ rất quan trọng, các bậc cha mẹ hãy là người thông thái trong nuôi dạy con cái nhé.

Comments